Tin tức Năng lượng 25/08/2022
Lực mua chiếm ưu thế, chỉ số hàng hoá MXV-Index tăng ngày thứ 6 liên tiếp
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày giao dịch hôm qua (24/08), mặc dù diễn biến phân hoá chia bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới thành hai nửa xanh đỏ; tuy nhiên, lực mua chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index tăng 0,7% lên mức 2.698 điểm, nối dài đà tăng sang ngày thứ 6 liên tiếp.
Đáng chú ý, hoạt động giao dịch tại thị trường Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu rất tích cực và sôi nổi. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng hơn 15%, đạt mức 5.500 tỷ đồng. Trong đó, theo Khối Quản lý Giao dịch MXV, dòng tiền ghi nhận sự chuyển dịch rất nhanh đến nhóm Nguyên liệu công nghiệp, nơi đang diễn ra những biến động mạnh của các mặt hàng quan trọng, có tác động trực tiếp đến thị trường trong nước như cà phê, bông, cao su. Giá trị giao dịch tính riêng nhóm này đã tăng bứt phá gần 60%, lên mức 1.502 tỷ đồng, tiến rất sát mức đỉnh cao nhất từ đầu năm nay, được thiết lập vào ngày 07/01.
Giá dầu duy trì đà tăng ấn tượng do nguồn cung có khả năng thu hẹp
Giá dầu tiếp tục tăng trong ngày hôm qua 24/08, với WTI tăng 1,23% lên 94,89 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1% lên 101,22 USD/thùng. Các diễn biến mới xung quanh thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran, trở thành chất xúc tác để giá dầu liên tục tăng trong tuần này.
Dầu thô phần nào chịu áp lực sau báo cáo tối qua của Cơ quan Năng lượng Mỹ EIA cho thấy mặc dù tồn kho dầu thô giảm mạnh 3,3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 19/08, tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu đến từ lượng xuất khẩu vững mạnh, do các khách hàng châu Âu đang ráo riết bổ sung các nguồn năng lượng. Trong khi đó, tiêu thụ nhiên liệu thực tế tại Mỹ giảm mạnh 1,9 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nhu cầu tiêu thụ xăng giảm đến 0,9 triệu thùng/ngày bất chấp giá xăng tại Mỹ đã giảm gần 11% so với tháng trước.
Thông tin Nga tăng sản lượng dầu và khí ngưng tụ trong tháng 7, từ mức 10,7 triệu thùng/ngày lên 10,76 triệu thùng/ngày cũng gây áp lực cho giá dầu. Bất chấp hiện tượng “tự tẩy chay”, tức là các tập đoàn năng lượng lớn tại châu Âu tự giảm các đơn hàng từ Nga ngay cả trước khi lệnh cấm vận nhập khẩu của EU đi vào hiện thực cuối năm nay, ngành dầu khí của Nga vẫn chưa cho thấy sự suy yếu đáng kể nào.
Ngày hôm qua, phía Mỹ đã chính thức đưa ra phản hồi về dự thảo hạt nhân và gửi đến Iran. Nếu các bên đạt được thỏa thuận chung, Iran sẽ được gỡ bỏ các lệnh cấm vận xuất khẩu dầu và quay trở lại với thị trường dầu quốc tế. Bên cạnh đó, nước này cũng sẽ có cơ hội tiếp cận lại với các công nghệ, thiết bị dầu của phương Tây và các khoản đầu tư tiềm tàng để nhằm khôi phục lại ngành dầu khí, sau nhiều năm chịu ảnh hưởng của việc thiếu hụt đầu tư. Tuy vậy, việc Iran chưa đưa ra bất cứ phát biểu chính thức nào về số phận của thỏa thuận, khiến cho các nhà đầu tư kỳ vọng rằng một thỏa thuận mới vẫn chưa thể nhanh chóng hoàn thành. Hơn thế nữa, khả năng OPEC+ tiếp tục can thiệp thị trường trong trường hợp Iran quay lại xuất khẩu, thông qua hình thức cắt giảm sản lượng trong các cuộc họp tháng, cũng hỗ trợ đà tăng trong nửa cuối phiên.
Nguồn tham khảo: MXV